Lịch sử Súng máy hạng nặng KPV

Năm 1944, S. V. Vladimirov đã phát triển một loại súng máy cỡ nòng 14,5mm dựa trên mẫu pháo B-20 cỡ nòng 20mm kiểu 1943 cũng do nhà thiết kế Vladimirov thiết kế riêng từ năm 1942 nhưng nó không cạnh tranh được với pháo ShVAK có cùng cỡ nòng 20mm [1] (20 мм авиапушки В-20, проигравшей конкурс Б-20)[2]. Các cuộc thử nghiệm tại nhà máy Degtyaryov bắt đầu từ tháng 11 năm 1943 [3]. KPV vượt qua các kỳ kiểm tra của quân đội Liên Xô trong năm 1944 một cách xuất sắc và nó bắt đầu được Hồng Quân sản xuất với số lượng nhỏ tại nhà máy Degtyarev[4]. Tuy nhiên, những khó khăn đã khiến việc đưa nó vào phục vụ trong quân ngũ bị trì hoãn và quá trình sản xuất đại trà với số lượng lớn chỉ bắt đầu vào tháng 5 năm 1949[2].

Việt Nam

Quân đội Nhân dân Việt Nam vốn giàu kinh nghiệm chiến tranh du kích, nên rất coi trọng nhiệm vụ tăng cường khả năng phòng không cho các phân đội nhỏ hoạt động độc lập, cách xa các lực lượng chủ lực.

Vào giữa những năm 1960, phía Việt Nam đã đề nghị Liên Xô cung cấp các tổ hợp súng máy phòng không có thể đối phó hiệu quả với Không quân Mỹ trong điều kiện chiến tranh du kích trong rừng rậm nhiệt đới và thuận tiện cho vận chuyển, mang vác bằng sức người. Để đáp ứng, năm 1967, Liên Xô đã triển khai sản xuất hàng loạt tổ hợp phòng không 14,5mm ZPU-1 đã được thử nghiệm thành công từ năm 1956. Với trọng lượng tác chiến 220 kg, tổ hợp có thể tháo thành các bộ phận, bộ phận nặng nhất cũng chỉ dưới 40 kg. Ngoài ra, Việt Nam cũng nhận từ Trung Quốc vài trăm súng máy phòng không 14,5mm kiểu 4 nòng Type-56 (sao chép từ mẫu ZPU-4 của Liên Xô) hoặc kiểu 2 nòng Type-58 (sao chép từ ZPU-2).

ZPU-1 cũng có thể được vận chuyển trên thùng xe tải. Kinh nghiệm tác chiến ZPU-1 cho thấy nó còn có thể bắn ngay trong khi hành tiến. Tuy có tầm bắn tương đối ngắn, nhưng với ưu điểm là gọn nhẹ, dễ vận chuyển, bộ đội Việt Nam thường sử dụng tổ hợp súng máy phòng không này để đi kèm bảo vệ các đoàn xe vận tải và đoàn xe quân sự và bảo vệ cho các địa điểm tập kết bộ đội, hoặc bố trí phục kích các đơn vị trực thăng của đối phương. Trong chiến tranh, hàng trăm máy bay các loại của Mỹ đã bị bắn hạ bởi loại súng máy phòng không này.